Lịch sử Xe buýt Hà Nội

Thời Pháp thuộc

Sau Thế chiến thứ nhất, vào khoảng những năm 1919, 1920 có 4 chiếc xe buýt hãng GM (Mỹ) lần đầu xuất hiện tại Hà Nội; nơi đón trả khách là bến cột đồng hồ gần ga Long Biên; không biết chủ xe là ai, chỉ biết những người lái xe là lính thợ Việt Nam đi lính cho Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và có bằng lái do chính phủ Pháp cấp.[1]

Cầu Long Biên lúc đó còn hẹp, chưa được mở rộng hai bên nên 4 chiếc xe chở khách đi Hưng Yên không thể qua cầu, phải đi phà sang bên kia sông. Đến năm 1923, việc mở rộng đường hai bên cầu được hoàn thành, xe có thể đi qua cầu. Rồi số xe tăng nhanh, bến đồng hồ trở nên chật chội nên hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra chỗ bán nứa ở đường Greelé (nay là đường Trần Nhật Duật), cách cột đồng hồ không xa về phía bắc, từ đó có bến Nứa. Bốn hãng xăng là Shell, Socony, Texaco (của Mỹ) và Lariaudé (của Pháp) mở điểm bán xăng và Texaco đã giành được quyền tài trợ xây nhà bán vé khang trang, trên nóc nhà bán vé có cột hình vuông 4 mặt có tên Texaco. Theo tạp chí "Tự nhiên" xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1926 bắt đầu phát hành tại Hà Nội thì năm 1925, trung bình một ngày có 4 xe tải, 166 xe ô tô con, 1,3% còn lại là xe thô sơ và 79 lượt xe buýt qua lại cầu Long Biên.

Từ bến Nứa, hằng ngày có xe đi Hưng Yên, Sơn Tây, tuyến ngắn chạy đến Chèm. Khách chủ yếu là người buôn bán và các chức dịch nông thôn đi Hà Nội sắm hàng hóa. Đi Sơn Tây có 5 hãng lớn gồm: Tư Đường, Chí Thành, Mỹ Lâm, Larriveé (chủ Pháp) và Dương Châu. Tuyến đi Hưng Yên có hãng Con Thỏ.

Phía nam thành phố Hà Nội có bến Kim Liên, vốn trước đó là chợ của làng Kim Liên. Bến mở vào cuối những năm 1920, ban đầu nằm gần Cửa Nam (nay thuộc quận Hoàn Kiếm) nhưng nó lại gây cản trở giao thông nội đô nên hội đồng thành phố quyết định chuyển xuống Kim Liên (đến năm 1978 thì chuyển xuống quận Hoàng Mai và hình thành bến xe Giáp Bát ngày nay). Bến này có xe tuyến dài đi Nam Định, Thái Bình, tuyến ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn ĐiểnNgọc Hồi. Phía tây có bến Kim Mã, trước đó vốn là hồ ao sau đó hội đồng thành phố đã cho lấp hồ, bến hình thành cũng vào cuối những năm 1920, chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình, tuyến ngắn đi Hà Đông, Ba La và Chương Mỹ.

Xe buýt thời Pháp chỉ có một cửa lên xuống ở phía sau. Ban đầu có 2 hàng ghế gỗ sát thành xe như ghế tàu điện và tàu hỏa ở giữa là chỗ đi lại. Nhưng sau đó nhận thấy để ghế dọc chở ít khách nên các hãng xe cải tiến thành ghế ngang chở được nhiều khách hơn, trung bình mỗi xe trở khoảng 30 khách. Năm 1930 cả Bắc Kỳ có gần 5.000 xe các loại trong đó có 405 xe buýt nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, số xe ở Hải Phòng bằng một phần ba Hà Nội.

Năm 1941, tờ báo Pháp Bonjour (nay là báo Arc dé Jourèd) đã vẽ tranh châm biếm về xe buýt ở Hà Nội phần giữa xe ép sát đất khách còn hàng hóa trên nóc cao lên tới mặt trời. Sở dĩ có chuyện này vì chiến tranh thế giới thứ II xảy ra, xăng dầu nhập vào Việt Nam khó khăn, nhiều hãng phải cải tiến xe để chạy than. Chiến tranh cũng khiến phụ tùng khan hiếm nên nhiều xe hỏng không có phụ tùng thay đành đắp chiếu.

Thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa

Trước khi Hà Nội tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vào năm 1959 thì Hà Nội có gần 800 xe lớn nhỏ gồm cả chở khách và chở hàng hóa. Năm 1960, thì 95% số ô tô được công tư hợp doanh và Hà Nội tiến hành nhập 2 xí nghiệp công tư hợp doanh thành Xí nghiệp xe khách Hà Nội, chủ yếu chạy đường dài đi các tỉnh, đỗ ở ba bến xe: Bến Nứa, Kim Mã và Kim Liên. Năm 1957, cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội được Ban Thống nhất Trung ương cấp vốn mua 10 ô tô khách lập Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất,[2] tháng 2 - 1958 mở tuyến Kim Liên - Hà Đông. Đến tháng 12 - 1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất phục vụ giao thông công cộng của thành phố với 192 xe; 4.106 ghế. Xe buýt hay ô tô buýt là mượn từ tiếng Pháp autobus chỉ xe chở mọi người. Thời Pháp thuộc vẫn gọi là xe buýt dù xe tuyến ngắn hay tuyến dài, nhưng đến chế độ mới thì xe đường dài và khách được mang theo hàng hóa gọi là xe khách còn xe chạy tuyến ngắn và khách chỉ được mang đồ đạc gọn nhẹ gọi là xe buýt.

Xe buýt nhanh chóng trở thành phương tiện chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức đi làm, học sinh - sinh viên đi học. Năm 1964 đã có 903 khách mua vé tháng. Năm 1965 Hà Nội đã có tới 300 xe buýt, với 8 tuyến. Giá vé đồng hạng ở tất cả các tuyến, do thành phố bù lỗ nên giá vé rất rẻ nên rất đông, vì nhiều người bỏ xe điện đi xe buýt cho nhanh. Trước năm 1975 xe buýt chủ yếu là xe Hải Âu (của Liên Xô), xe Ba Đình (đóng trong nước nhưng sử dụng máy IFA của Cộng hòa dân chủ Đức) và Q50, ngoài ra còn có một ít xe Lavop (của Liên Xô). Rồi xe đạp tăng lên nhanh chóng do những người đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Nga gửi về nên cũng có khá nhiều người bỏ xe buýt.

Thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Vì số lượng xe đạp tăng nhanh, năm 1985 người đi xe buýt đa số là sinh viên.

Năm 2001, năm công ty: Công ty sản xuất Xe buýt Hà Nội, Công ty TNHH Vận tải hành khách Nam Hà Nội, Công ty Xe du lịch Hà Nội, Công ty Cổ phần sản xuất Xe điện Hà Nội và Công ty TNHH ô tô buýt Hà Tây hợp nhất thành Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội. Năm 2004, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) được thành lập trên cơ sở Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội.[3] Transerco nhanh chóng phát triển trở thành công ty dẫn đầu về dịch vụ xe buýt tại Hà Nội. Tính đến năm 2018, Hà Nội đã có 112 tuyến buýt (Bao gồm 92 tuyến buýt trợ giá, 20 tuyến buýt không trợ giá), bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã.

Liên quan